Monday, September 19, 2016

KIỂM SOÁT ĐỘ ẨM CHO LAN - CÁCH TƯỚI LAN - LÀM MÁI NILON ĐỂ LÀM GÌ?


1. Tiểu khí hậu cho lan phụ thuộc rất lớn vào giá thể trồng lan. Độ ẩm là một yếu tố cực kỳ quan trọng để cây lan phát triển và sinh trưởng tốt! Bạn phải hiểu giá thể bạn trồng lan lên đó. Bạn không cần phải thử nhiều loại giá thể, mỗi năm bạn chỉ cần thử nghiệm và tìm hiểu 1 loại là đủ.
Vườn lan thì tôi không đủ tư cách để bàn, tôi chỉ dám chia sẻ cho các bác mới chơi lan được 1-2 tháng như sau:
A. Các bác thường thích chơi nhiều loại lan, mua từ nhiều vườn khác nhau, nhưng khi mang về lại treo cùng 1 giàn với cùng lượng ánh sáng và cùng lượng nước tưới. Đó là 1 sai lầm kha khá! Đối với cá nhân tôi, cùng là Ngọc Điểm, nếu trồng lũa, ngày tôi tưới 2 lần; nếu trồng chậu đất với than, ngày tôi tưới 1 lần; nếu trồng chậu nhựa với mùn cưa thì 3 ngày tôi mới tưới 1 lần.
Chính vì thế nếu vườn nhỏ mà chơi nhiều loại lan thì lắp tưới tự động sẽ hơi kho khó đó!
B. Tùy loại lan mà chúng ta có chế độ tưới nước cho hợp lý. Ví như cùng chậu nhựa, cùng trồng với vỏ thông, nếu là Kiều thì tưới ngày 1 lần, còn nếu là Catlaya thì khi nào khô thì tưới, còn nếu đơn thân thì ngày tưới 2 lần tẹt ga... Các bác muốn kiểm tra độ ẩm của lan thì nên là dùng mũi ngửi, dùng ngón tay thọc vào chậu, càng sâu càng tốt (dùng ngón tay giữa, nên cắt móng tay khi thọc kẻo xước em). Nếu còn ẩm thì thôi. Sai lầm lớn khi lúc nào cũng cố để cho giá thể ước nhách.

Theo kinh nghiệm trồng Bonsai của tôi áp dụng sang cho lan đó là giá thể càng ẩm thì lan càng ít rễ, mà lan nhiều rễ thì cũng không tốt lành gì vì khi đó rễ chính là gánh nặng cho cây lan.
C. Tùy vào vùng miền mà có chế độ tưới cũng như thời gian tưới cho phù hợp. Ví như tôi ở Cao Nguyên Lâm Viên, mát lạnh tới chân tóc, giữa trưa hè (28 độ) tôi tưới lan vẫn cứ vô tư nhưng các bác ở ngoài Bắc thời gian này 40 độ mà giữa trưa tưới thì hê hê xong! Tùy mùa nữa nhé!
D. Tùy tiểu khí hậu và thời tiết mà có chế độ tưới. Thường thì ít nhất nên làm sao mà tưới xong lan có 2 tiếng trở lên giá thể được khô thoáng 1 chút là ổn. Cá nhân tôi thì mùa mưa này ở Tây Nguyên, riêng các chậu tôi trồng với mùn cưa thì hầu như 6 tháng không tưới, nều trồng than thì sau mưa 3 ngày tôi mới tưới, trồng lũa và gỗ thì nay mưa, mai không mưa là phải tưới rồi.
Nhớ là tưới sao cho những cục lũa, than nó hút được nước vào trong lõi, vì thế nên tưới đi 1 lượt, sau đó lướt lại 1 lượt cho nước ngấm được vào giá thể THAN, LŨA và GỖ.
E. Tùy vào cây lan có nhiều rễ hay không và độ hấp thụ nước mà tưới tắm cho hợp lý. Nếu thấy lá nhăn nheo, teo tóp, vàng quạch thì phải hạ xuông thấp, hạ ánh sáng, tăng độ ẩm lên. Cây non hay cây mới ghép thì phải để chỗ mát, độ ẩm cao...v.v...
Nếu bạn thực sự để ý kỹ sẽ thấy, sau 1 đêm cây lan nhà bạn sẽ dài ra nhiều hơn so với ban ngày với cùng số giờ. Vì thế theo tôi thấy nên tưới lúc chiều mát lúc 16h-15h30 là tốt nhất. Sẽ giúp lan nhanh dài hơn là tưới buổi sáng (giành cho các bạn chỉ tưới lan ngày 1 lần). Tưới buổi sáng cũng tốt, tuy nhiên các bạn ở vùng nóng lưu ý là nước trên kẽ lá, lá và ngọn, thân phải khô trước khi trời trở nóng nếu không lan sẽ bị CHÍN do nước đọng bị hâm nóng.
Tóm lại: Phải hiểu giá thể mình ghép. Phải dùng mắt quan sát, tay sờ soạng vuốt ve nắn bóp cảm nhận, mũi ngửi cảm nhận độ ẩm.... Phải hiểu loại lan mình chơi và vùng miền của mình... Từ từ bạn sẽ có kinh nghiệm riêng phù hợp với bạn nhất, nói chung là chơi lan bạn phải dùng BỘ NÃO, cái VÍ (BÓP) không giúp gì nhiều đâu!
2. Vấn đề làm mái Nilon thì đơn giản hơn, trong hình tôi đã chú thích chi tiết rồi. Tôi chỉ dám chia sẻ sơ sơ như sau:
A. Tránh mưa sẽ tránh được chút gì đó axit (pH<7) để chăm lan con và keiki cho hiệu quả hơn.
B. Chơi được các em nhiều lông, lông càng rậm càng khó và càng đen càng khó... ví dụ Thanh Hạc, Bạch Hạc, Bạch Hỏa Hoàng, Dendro Kontum, Trinh Bạch, Nhất Điểm Hồng, Nhất Điểm Hoàng, Hoàng Thảo Vạch Đỏ, Hoàng Thảo Lông Trắng, Kim Điệp Bắc (Nhựa, Sáp, Thơm), Đại Bạch Hạc, Thạch Hộc Tía....
Tôi đã thấy, có nhà vườn không cần phủ Nilon vẫn trồng được các thể loại trên vì họ làm rất khoa học từ khâu chọn giống tới xử lý, ghép và chăm bón, xịt thuốc rất đều, chuẩn thuốc và bài bản... Tuy nhiên sống là 1 chuyện, ra hoa hay không thì lại là chuyện khác. Chuyện này sẽ có bài khác.
C. Thuần được những em khó tính LÁ MỎNG như Trúc Mành, Trúc Quan Âm, U Lồi, Ý Ngọc, Ý Thảo 3 Màu.... (Bác nào thuần được mà không cần mái nilon thì cho em tí kinh nghiệm nhé, đừng ném đá em).
D. Tiết kiệm tiền thuốc thối nhũn, nấm.... khá nhiều. Tỉ lệ là thuốc bên ngoài 3 thì trong mái nilon chỉ 1 hoặc 0,5.
Cái gì cũng có 2 mặt của nó. Em so sánh và thấy là nếu trồng thân thòng (giả hạc hay phi điệp, long tu, ý thảo hay hạc vĩ...) trong mái nilon, cây lên kém hơn là cho ăn nước mưa tẹt ga khoảng 20%. Sức đề kháng yếu hơn (thực tế là em chỉ dám bán mấy em có lông cho các bác nào có che nilon, chứ bán cho các bác không che, mấy bác trồng chết lại chửi em bán bố láo.
Kinh nghiệm của em là vậy, bác nào có trình cao phán em nói phét cũng được. Vì cá nhân em đã bị trả học phí với mấy em có lông này là nhiều nhất, em rất là cay!
3. Càng viết bài thì càng phải đọc nhiều, mà càng đọc nhiều thì càng thấy mình ngu. Em chia sẻ cách dễ nhất để các bác mới chơi lan 1-2 tháng làm được, còn các nghệ nhân lâu năm xin dạt sang một bên giùm em. Cách của các nghệ nhân khá là khác so với cách em chia sẻ cho các bác, mà các bác muốn áp dụng thì cũng phải chơi 5-7 năm mới làm nổi. Thực tình mà nói thì chủ đề về lan còn rất nhiều, nhưng em tự thấy trình và hiểu của mình cũng sắp cạn rồi, còn vài ba bài nữa chắc hết cái để chia sẻ, vì thế các bác đọc xong loạt bài của em (khoảng 7-9 bài gì đó) thì lưu lại hoặc CHIA SẺ trên trang của các bác nhé. Sắp tới em hết cái chia sẻ thì em sẽ đăng mấy bài vớ va vớ vẩn, trôi mất loạt bài này đó ạ, tới khi đó muốn kiếm lại cũng khá là khó.
Tóm lại là phải hiểu sâu giá thể, phải tìm hiểu sâu về giàn, phải quan hệ nhiều để rộng mở tầm nhìn bản thân!

Nguyễn Ngọc Hà
https://www.facebook.com/ha.nguyenngoc.3591267

No comments:

Post a Comment